Thursday, April 3, 2014

Tôi sinh ra không phải để làm một người tầm thường

Người xưa nói: “Trông mặt mà bắt hành dong”, nhưng có lẽ đến nay câu nói đó không hoàn toàn chính xác nữa rồi. Bản chất con người là tổng hòa những tính cách phức tạp mà bạn không thể nào phán đoán, nhận xét chỉ thông qua vẻ bể ngoài của họ được…

Người Việt có tính tò mò và thích đưa ra phán xét của mình đối với người khác. Điều này không hề xấu, nhưng nếu quá đà quả thực chẳng tốt chút nào. Thử tưởng tượng xem, trong một giờ học, cứ có bạn nào đứng lên phát biểu bài là y như rẳng những kẻ ngồi dưới sẽ “ném” cho họ lời phán xét không một chút tiếc thương, bất kể là tốt hay xấu. Từ đó mới suy ra cái tính nói xấu sau lưng, thích trọc gậy bánh xe của người Việt.

Ở đây tôi không có ý “vơ đũa cả nắm” bởi lẽ đó là những điều chưa tốt mà tôi quan sát được ngay trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Ngày nay, không ít cô gái thể hiện phong cách đầy mạnh mẽ, cá tính của mình thông qua cách ăn mặc. Những bộ đồ rộng thùng thình, thậm chí chẳng khác nào con trai…khiến nhiều người lầm tưởng rằng tính cách họ cũng như vậy. Người luôn tỏ ra mạnh mẽ nhất đôi khi lại là người mang trong mình trái tim yếu đuối nhất, bởi thế cô ấy phải dùng sự cứng cỏi bề ngoài để che lấp những khoảng trống bên trong tâm hồn mình. Không chỉ quan sát mà phải thật sự thấu hiểu bạn mới có cơ hội khám phá điểm khuất lấp ẩn sâu bên trong một con người, bạn bè hoặc người mà bạn yêu quý.



Cái tôi – đó là sự tự khẳng định những giá trị tốt đẹp của mình đối với toàn xã hội. Ai cũng có trong mình một cái tôi riêng có, không trộn lẫn với bất cứ ai, nhưng quan trọng nó được thể hiện ra ngoài bằng cách nào, hành động ra sao mà thôi. Nếu như người Tây, cái tôi của họ được thể hiện một cách khá rõ ràng, trực tiếp thì người Việt lại khác, nó được giấu kín, ẩn sâu bên trong tầng ý nghĩa của câu nói, thầm chí người ta chỉ dám giữ khư khư cho đến chết. Tại sao vậy? Vì mình kém cỏi ư? Hay sợ nói ra sẽ bị người khác “cười vào mặt”. Tôi không nghĩ như vậy, nguyên nhân một phần nằm trong chính đặc trưng văn hóa dân tộc.

Soi chếu lại lịch sử, có lẽ bạn sẽ hiểu tại sao ta chỉ thích nói sau lưng người khác, ít khi dám thẳng thừng phát biểu quan điểm, trực tiếp nêu lên ý tưởng của riêng mình; bởi lẽ “nếu có chết thì chết chung, tội gì chết một mình”. Văn hóa làng xã, văn hóa cộng đồng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của ta bao lâu nay, mỗi người kìm nén cá tính của mình lại trong hai chữ “cộng đồng” mà quên đi rằng “cá nhân mới là trung tâm thể để phát triển” dân tộc.

Trong guồng quay của cơ chế thị trường cũng như quá trình hội nhập quốc tế, việc che giấu quan điểm sẽ khiến ta tự đánh mất những cơ hội mới của chính mình. Bởi lẽ bộ quần áo bạn mặc trên người không nói lên bạn là một kẻ giàu sang hay nghèo đói, mà chính cách bạn suy nghĩ, dũng cảm bày tỏ quan điểm của mình sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất để khẳng định cái tôi độc lập, độc đáo của bạn đối với người khác, và với cả chính mình.

“Tôi sinh ra không phải để làm một kẻ tầm thường”, đây là câu nói mà tôi vô cùng tâm đắc của diễn giả Trần Đăng Khoa. Nó hòa toàn không phải thể hiện một cái tôi tự cao tự đại, bốc đồng mà được xuất phát từ thái độ thấu hiểu chính mình. Không khó để hiểu tại sao những thanh niên tuổi hai mươi lòng hừng hực ngọn lửa đam mê, sức sống nhưng lại rất dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán chường. Nguyên nhân đến từ  cái tôi của họ chưa đủ độ chín chắn cũng như kiên trì để theo đuổi con đường thành công mà họ đã lựa chọn. VIệc dám khẳng định cái tôi – bản ngã riêng có của mình là cách bạn dám trách nhiệm hoàn toàn với cuộc đời, tương lai mà bạn đã lựa chọn.

“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất. In dấu lại trong trái tim người khác” .

Tuesday, April 1, 2014

Thói sĩ diện hão

Cô gái: Bác ơi bán cho cháu hai bát cháo thịt nhé.

Bác: Ừ, hai cháu đợi bác một chút, bác xong ngay đây. J

Câu chuyện có lẽ sẽ chẳng có gì đặc biệt, nếu sau  một hồi ngồi tâm sự, chàng và nàng tranh nhau trả tiền khi hai bát cháo vẫn còn đầy.

Bà chủ tỏ vẻ ngạc nhiên: Sao hai cháu không ăn mà bát vẫn còn nguyên vậy?
Chàng trai trả lời cụt lụt, với lòng sĩ diện dâng trào như kẻ chụp được phút giây thể hiện mình: vì người yêu không ăn nên không muốn ăn.

Nhiều người dám nhìn thẳng vào sự thật cho rằng thói sĩ diện là MÓN ĂN BÌNH DÂN của người Việt mà bạn có thể gặp bât cứ nơi nào, ở đâu và bất cứ ai. Người ta sĩ diện trong lúc đi ăn với bạn gái, lúc có tiền môt chút, hay khi mới được thăng chức… Sĩ diện mang đến cho họ cảm giác của lòng kiêu hãnh như được đứng cao hơn người khác một bậc, nhưng thực ra theo tôi ấy là sự ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH ĂN HẠI.


Thử tưởng tượng xem, nhiều bạn gái đi ăn với người yêu, rõ ràng kêu đói mà cứ ngồi gắp thức ăn như mèo, nhỏ nhẹ đến “cọng giá phải cắn làm tư” khiến chàng không khỏi lo lắng “hay thức ăn không ngon?”. Chẳng mấy chốc, bạn lại bắt gặp nàng ở nhà, ngồi một mình sụp soạt bát mỳ tôm vì lòng dạ đói cồn cào.  


Trái ngược với người Tây, người Việt đi nhà hàng rất hiếm khi ăn hết thức ăn, thường chỉ nhìn ngắm nó như kiểu “ngán lắm rồi”. Ấy thế, có lúc lại vồ vập từng miếng một khi vào quán Buffe, để rồi trong câu chuyện không vui tại một nhà hàng Thái Lan họ phải để hẳn chữ Việt  to đùng “ Không tiếp khách Việt Nam”. Đồ ăn không có tội! Phải chăng, ta không biết trân trọng sức lao động, của người khác và của chính mình.

“Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Thói sĩ diện giống như một thứ axit vô hình ăn mòn suy nghĩ,  khiến ta phải trói mình trong cái lồng của sự giả tạo, không dám thể hiện cũng như sống thật với chính mình.

Thế nên cũng dễ hiểu tại sao giờ lại có lắm cặp vợ chống chia tay sau khi kết hôn đến như vậy. Đơn giản, khi yêu là giai đoạn nồng cháy nhất, ngọt ngào nhất, cũng là những phút giây tốt đẹp nhất. Nhưng “Vàng chưa thử lửa thì khó mà biết đấy là vàng thật hay giả”. Chỉ đến khi sống cùng nhau, phải sát mặt nhau hàng ngày, chàng mới tá hóa “Ơ,  khi yêu nhau, người yêu  trắng và xinh thế, mà sao giờ  nhìn nàng để mặt mộc lại chẳng được như vậy”. Nàng cũng hết sức bàng hoàng về thái độ anh chồng  khi không còn được ân cần chu đáo và nâng niu như xưa nữa.

Buồn ơi là sầu!

Chẳng phải trỉ trích, chê bai hay lên án một ai, đơn giản tôi chỉ góp một hòn gạch để bạn hiểu và dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi.


Hãy là chính mình, đừng để người khác biến bạn thành một con rối bởi lẽ nếu người yêu bạn chỉ khen bạn lúc trang điểm, lúc xinh xắn nhưng lại phàn nàn khi cô ý để mặt mộc thì bạn biết mình phải làm gì rồi đó. Chia tay sớm  là vừa, đừng để lâu kẻo muộn!